Gây chú ý thị trường tài chính nhất là chức Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín. Sau khi người sáng lập Đặng Văn Thành (tại vị hàng chục năm), từ nhiệm trong Đại hội cổ đông tháng 5/2012, vị trí chủ tịch được trao lại cho ông Phạm Hữu Phú, Phó chủ tịch Eximbank. Ông Phú sang Sacombank với tư cách người đại diện cho Eximbank, nắm giữ số cổ phần tương đương hơn 9,6% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, hôm 24/3, vị trí này đã được chuyển giao cho ông Kiều Hữu Dũng, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank. Ông Dũng được cho là có lợi thế khi từng làm Vụ trưởng Vụ các ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, đơn vị trực tiếp quản lý, cấp phép thành lập và am hiểu hoạt động ngân hàng cổ phần.
Như vậy chỉ trong thời gian 2 năm, kể từ khi nhóm cổ đông lớn nắm quyền kiểm soát Sacombank đến nay, ghế nóng Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng này đã được thay đổi 2 lần, chưa kể sự ra đi của người sáng lập Đặng Văn Thành.
Chưa đầy 2 năm, Sacombank đã ba lần thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay còn chứng kiến không ít nhà băng tiến hành thay lãnh đạo ngay trong đại hội. Tại Đại hội SCB hôm 17/3, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thị Thu Sương được cổ đông thông qua đơn từ nhiệm với lý do cá nhân.
Ông Đinh Văn Thành được bầu vào chức danh Chủ tịch SCB nhiệm kỳ 2012-2017 thay cho bà Sương. Như vậy, bà Sương từ chức khi mới tại vị chưa được nửa nhiệm kỳ tại nhà băng hợp nhất. Sự ra đi của nữ chủ tịch này được xem là khá bất ngờ, vì bà là người gắn bó với SCB kể từ những ngày đầu hợp nhất và trải qua không ít khó khăn trong giai đoạn ngân hàng tái cấu trúc.
Mới nhất là sự chuyển giao chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị giữa bà Nguyễn Thị Xuân Loan và ông Nguyễn Quốc Toàn ngay tại đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng Nam Á hôm 27/3.
Lý do công bố cho sự ra đi của các vị Chủ tịch đều là "cá nhân". Nhưng bản chất đằng sau sự thay đổi chiếc ghế nóng này còn nhiều dấu chấm hỏi.
Trước đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị thường là những người nắm cổ phần lớn và đồng nghĩa với ông chủ thực sự của ngân hàng. Còn hiện nay, có những vị Chủ tịch thậm chí không hề sở hữu một cổ phần nào, chẳng hạn như tân Chủ tịch Sacombank Kiều Hữu Dũng.
Câu hỏi đầu tiên khiến người ta quan tâm là chiếc ghế quyền lực ấy hiện nay liệu có còn đại diện cho vị trí "ông chủ" thực sự. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa tài chính ngân hàng Đại học Mở TP HCM cho rằng, vấn đề này khó có thể đưa ra kết luận chính xác.
Ông Thuận dẫn ví dụ trong giới ngân hàng hiện nay, ai cũng biết đến vị Chủ tịch quyền lực của Eximbank Lê Hùng Dũng, dù cá nhân chẳng nắm cổ phiếu nào nhưng ông thực sự thể hiện uy quyền của "ông chủ" nhà băng này.
Ngoài ra, Tiến sĩ Thuận cũng không loại trừ khả năng còn có một số trường hợp vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị thực chất chỉ là "người đóng thế vai cho các ông chủ thực sự". Vì lý do gì đó, những ông chủ kia không muốn đảm trách vị trí cao nhất tại nhà băng và đã bổ nhiệm một người nào đó có uy tín, có năng lực lên nắm giữ thay. "Tuy nhiên, một khi dễ dàng bổ nhiệm thì họ cũng có thể dễ dàng phế truất chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị này, tương tự như việc thuê CEO. Do đó, vị trí này biến động là điều dễ hiểu", ông nói.
Một số chuyên gia khác cho rằng, nguyên nhân của việc ngân hàng "thay chủ" liên tục còn gắn liền với hai góc độ. Thứ nhất là bị chi phối bởi việc đổi chủ sở hữu và làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành ngân hàng. "Một khi người sở hữu ngân hàng thay đổi thì chiếc ghế nóng "Chủ tịch Hội đồng quản trị" ấy tất yếu phải đổi sang một người khác.
Thêm vào đó, lý do chuyên nghiệp hoá đội ngũ Hội đồng quản trị dưới áp lực tái cơ cấu ngân hàng cũng là một yếu tố lớn tác động đến làn sóng thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị hiện nay và thời gian tới.
Lệ Chi - VnExpress